Có vẻ như hơi thừa khi nói về bàn phím cơ cho lập trình viên sau khi đã có bài viết về bàn phím cơ chuyên đánh máy. Thật ra vẫn có sự khác nhau cơ bản giữa lập trình viên và người thường xuyên đánh máy, điều này đến từ thói quen và khả năng làm quen của lập trình viên khá khác biệt so với người chuyên đánh máy thông thường.
Việc loại switch nào phù hợp cho nhu cầu đánh máy mình đã thảo luận rất nhiều ở phần trước nên mình sẽ bỏ qua yếu tố ấy trong bài viết này.
Numpad: phần phím số trên bàn phím
Numpad có cần thiết?
Nhiều ý kiến cho rằng với bàn phím cơ cho lập trình viên thì numpad là thứ không thể thiếu, nhưng dường như đó là một ý kiến đầy cảm tính. Thực tế sử dụng cho thấy phần lớn thời gian lập trình viên không cần dùng đến phần numpad, chỉ một số ít coder với công việc đặc thù liên quan đến database và network (phần phím số này gõ IP rất lợi hại) thì numpad là một phần không thể thiếu cho chiếc bàn phím cơ. Đối với số đông còn lại, hàng phím số ngay trên dãy QWERTY là quá đủ với nhu cầu, vì chúng ta có thói quen hạn chế việc di chuyển tay khỏi vị trí trên bàn phím.
Bàn làm việc gọn gàng có lợi cho tính sáng tạo của bạn, việc loại bỏ numpad làm cho chiếc bàn phím cơ không chiếm quá nhiều diện tích, khoảng cách di chuyển từ bàn phím đến chuột trở nên gần hơn (có thể bạn không xem trọng điều này, nhưng nó có ảnh hưởng khá lớn đấy). Đồng thời chiếc bàn phím cơ nhỏ hơn còn có lợi cho lập trình viên thường xuyên di chuyển, bàn phím tenkeyless thì bỏ vừa balo laptop, còn fullsize thì khá là hên xui (phần lớn là không vừa).
Hãy cân nhắc giữa cường độ sử dụng phần numpad với sự gọn gàng và tiện lợi của việc loại bỏ nó. Cá nhân mình khá thoải mái khi sử dụng bàn phím cơ không có phần numpad.
Có phím điều hướng hay không?
Phím điều hướng là một thứ không thể thiếu cho lập trình viên, cường độ sử dụng cao nhất nhì trong khi code, nếu bạn là người có kinh nghiệm lập trình thì chắc chắn sẽ đồng ý với ý kiến này. Vì vậy hãy cân nhắc một chiếc bàn phím cơ có phím điều hướng, hoặc học cách sử dụng phím điều hướng “ẩn” sẽ đề cập bên dưới (cách này sẽ làm bạn trông giống một guru đích thực luôn).
Tương thích với các hệ điều hành khác
macOS dần trở thành một môi trường lập trình phổ biến trong giới lập trình viên, vì thị phần iOS và Mac ngày càng phình to, và Apple chỉ cho phép IDE của mình chạy trên hệ điều hành macOS. Tính tương thích của bàn phím cơ cho lập trình viên với hệ điều hành macOS vì vậy là điểm cần được quan tâm, vì có thể hôm nay bạn chưa lập trình cho iOS nhưng tương lại thì ai mà biết được. Nếu lỡ mua chiếc bàn phím bạn hoạt động không hoàn hảo trong môi trường macOS, bạn có thể khắc phục bằng phần mềm mà mình đã hướng dẫn trong bài viết trước.
Linux là môi trường lập trình rất quan trọng, vì vậy lập trình viên hãy chắc chắn rằng bàn phím cơ của mình phù hợp với môi trường này. Trong trường hợp bàn phím cơ của bạn không hoạt động được hoặc hoạt động không hoàn hảo trong môi trường Linux, có thể do bàn phím của bạn đang ở chế độ NKRO (khả năng nhận tất cả các phím nhấn cùng một lúc – một tính năng thường không thể sử dụng trong môi trường Linux). Hãy tìm cách tắt tính năng ấy trên bàn phím cơ của mình để nó hoạt động bình thường nhé. (Đối với bàn phím IKBC thì tổ hợp phím FN + ScrollLock để kích hoạt chế độ này)
Cần cơ động hơn nữa?
Phím cơ mini
Nếu công việc của bạn là freelance, bạn rất thường xuyên di chuyển và làm việc ở nhiều nơi, bạn muốn triển khai và thu dọn chiến trường của mình chỉ trong vòng 1 phút? Vậy hãy nghĩ đến việc mua một chiếc bàn phím cơ mini, loại bàn phím cực kì cơ động và nhỏ gọn. Tuy không có phím điều hướng nhưng nhà sản xuất nào cũng tích hợp tính năng tạm thời biến một cụm phím nào đó thành phím điều hướng, bạn sẽ thấy sự tiện lợi khi sử dụng cụm phím IJKL làm phím điều hướng, điều thú vị là bạn không cần rời tay khỏi vị trí của mình mà vẫn di chuyển con trỏ đến dòng code cần sửa một cách dễ dàng.
Phím cơ mini hiện này cũng đã trang bị cụm điều hướng riêng rất phù hợp cho lập trình viên như chiếc NiZ 66 này.
phần numpad quả thật cũng không quá cần thiết